Nhà thiên văn học trở thành tội đồ sinh thái - Báo VnExpress

Hình minh họa nhật thực toàn phần năm 1878 của Trouvelot. Ảnh: Amusing Planet
Étienne Léopold Trouvelot để lại hai di sản, một xứng đáng nhận được sự thán phục và ngưỡng mộ, một khiến ông nhận về sự coi thường và chỉ trích. Là một nhà côn trùng học nghiệp dư người Pháp, sai lầm lớn nhất của ông là đưa bướm xốp (Lymantria dispar) hay còn gọi là bướm đêm gypsy tới Bắc Mỹ, loài xâm hại tiếp tục tàn phá những khu rừng cho tới ngày nay. Nhưng Trouvelot cũng là một họa sĩ và nhà thiên văn học với khả năng làm chủ cọ vẽ và kính viễn vọng để tạo ra hàng nghìn minh họa ấn tượng. Hình minh họa vũ trụ của ông thuộc hàng chính xác nhất thời đó, theo Amusing Planet.
Trouvelot sinh năm 1827 ở vùng Aisne phía bắc nước Pháp. Có rất ít thông tin về quãng thời gian đầu đời của ông, có vẻ như ông tham gia vào liên minh khiến ông trở thành kẻ thù của nhà nước sau khi Louis-Napoléon Bonaparte đảo chính năm 1851. Để tránh bị bắt, Trouvelot chạy trốn tới Mỹ cùng gia đình, cuối cùng định cư ở Medford, Massachusetts. Là một họa sĩ và nhà thiên văn học nhiệt huyết, ông tự trau dồi bản thân thông qua đam mê hội họa và khoa học trước khi chuyển hướng chú ý sang ngành côn trùng học.
Trouvelot bắt đầu nuôi tằm. Khi Nội chiến kết thúc năm 1865, ông nuôi một triệu con tằm nhỏ trên 2 hecta đất rừng sau nhà. Tuy nhiên, loài sâu này rất dễ mắc bệnh, vì vậy Trouvelot quyết định thí nghiệm với bướm xốp khỏe mạnh hơn. Đây là loài bản xứ ở châu Âu chuyên ăn tán lá. Vào khoảng năm 1867, Trouvelot mang vài ấu trùng bướm xốp tới nhà riêng ở Medford và bắt đầu nuôi chúng trong rừng gỗ. Trong một đêm giông bão, gió mạnh làm rách lưới bao quanh hàng nghìn mẫu vật, tạo điều kiện cho bướm xốp trốn thoát.
Là động vật bản xứ trong các khu rừng ôn đới ở Tây Âu, bướm xốp là vật gây hại nổi tiếng. Chúng rất phàm ăn, có thể ăn sạch lá cả cây, cuối cùng khiến cây chết. Ngày nay, chúng vẫn ăn ngấu nghiến hàng nghìn kilomet vuông rừng ở đông bắc nước Mỹ mỗi năm, đe dọa 3000 loài cây gỗ và cây bụi. Chỉ trong nửa thế kỷ qua, bướm xốp đã phá hủy hơn 33,6 triệu hecta rừng với phạm vi trải rộng từ ven biển Đại Tây Dương tới trung tâm bang Wisconsin.
Tơ do bướm xốp tạo ra vô dụng và Trouvelot đánh mất tất cả hứng thú với côn trùng học. Năm 1870, ông rời trang trại và chuyển tới Cambridge, Massachusetts. Tháng 10 cùng năm, một cơn bão mặt trời mạnh khiến cực quang xuất hiện ở vĩ tuyến thấp khác thường. Được truyền cảm hứng bởi hiện tượng hiếm gặp, Trouvelot sử dụng kỹ năng in đá để tạo ra hình minh họa bầu trời đêm Massachusetts được chiếu rọi bởi những dải ánh sáng màu xanh lá cây và xanh dương.
Tài năng hội họa và khoa học của Trouvelot nhanh chóng thu hút sự chú ý của Joseph Winlock, giám đốc Đài quan sát trường Harvard (HCO). Winlock đã mời Trouvelot gia nhập viện. Trong thời gian ở Cambridge, Trouvelot đã tạo ra hàng trăm hình vẽ chi tiết những vật thể thiên văn, sử dụng kính viễn vọng 38 cm của HCO cũng như kính viễn vọng 15 cm tại nhà riêng.
Để mô phỏng chính xác những gì quan sát, Trouvelot áp dụng kỹ thuật chia ô cổ điển của các họa sĩ. Ông đặt một tấm kính tròn có khắc mạng lưới ô vuông vào giữa thấu kính viễn vọng, cho phép phóng hình ảnh lên mạng lưới. Sau đó, ông tỉ mỉ phác thảo vật thể thiên văn lên mạng lưới tương ứng trên giấy.
Nhận ra tài năng quan sát của Trouvelot, nhà sản xuất kính viễn vọng Alvan Clark & Sons cho phép ông sử dụng kính viễn vọng khúc xạ đang xây dựng ở xưởng tại Cambridgeport cho Đài quan sát Leander McCormick ở Đại học Virginia. Năm 1875, ông được mời tới Đài quan sát Hải quân Mỹ (USNO) in Washington, D.C, nơi ông làm việc với kính viễn vọng khúc xạ lớn nhất thế giới lúc đó (71 cm). Danh tiếng của ông càng được củng cố khi ông chính thức tham gia nhiệm vụ ghi hình nhật thực toàn phần năm 1878 của USNO.
Trouvelot có niềm đam mê đặc biệt với các hiện tượng Mặt Trời và nằm trong số những người đầu tiên nghiên cứu một phiên bản đặc biệt của vết đen. Nghiên cứu về chủ đề này của ông được công bố trên tạp chí American Academy of Arts and Sciences, đánh dấu một đóng góp quan trọng trong lĩnh vực. Trong suốt cuộc đời, Trouvelot đã công bố 50 bài báo khoa học và tạo ra khoảng 7.000 minh họa thiên văn chất lượng cao. Những hình minh họa của ông được tạo ra một thập kỷ trước khi ảnh màu ra đời, là hình minh họa chính xác nhất về hệ Mặt Trời lúc đó.
Năm 1882, Trouvelot quay trở lại Pháp, nơi ông được Viện Hàn lâm Khoa học trao giải Valz về thiên văn học. He gia nhập Đài quan sát Meudon ở Paris, tiếp tục các quan sát về hệ Mặt Trời. Trouvelot qua đời năm 1895 ở Meudon, không hề biết về thảm họa sinh thái mà thí nghiệm bướm xốp của ông gây ra ở Bắc Mỹ. Khi chính quyền bang Massachusetts nắm được quy mô của thảm họa, Trouvelot đã qua đời từ lâu.
An Khang (Theo Amusing Planet)
Nguồn: https://vnexpress.net/nha-thien-van-hoc-tro-thanh-toi-do-sinh-thai-4855937.html