Công sở Mỹ xáo trộn vì World Cup

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 647 | Cật nhập lần cuối: 4/14/2019 11:00:47 AM | RSS

Sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh đang thu hút số người xem kỷ lục tại Mỹ. CNN trích số liệu của Nielsen cho biết khoảng 18,2 triệu người đã xem trận Mỹ - Bồ Đào Nha trên kênh ESPN và 6,5 triệu người khác xem trên kênh Univision. Thống kê này thậm chí còn chưa đầy đủ, do Nielsen không thể tính được số người xem tại quán bar, nhà hàng hay các địa điểm công cộng đặt màn hình chung.

Tối nay, Mỹ sẽ có trận đấu quyết định với Đức. Cơn sốt World Cup thậm chí đã khiến một người hâm mộ lập kiến nghị trên website của Nhà Trắng, kêu gọi đủ 100.000 chữ ký để Tổng thống Barrack Obama xem xét cho cả nước nghỉ lễ hôm nay xem bóng đá.

David Kelly – Giám đốc chiến lược toàn cầu của JPMorgan Funds sẽ có một bài phát biểu trước các nhân viên hôm nay, đúng giờ bắt đầu trận Mỹ - Đức. Trong khi ông nói chuyện, các đồng nghiệp khác có lẽ đang tụ tập ở sảnh để theo dõi trận bóng đá được coi là sẽ hút khách nhất lịch sử nước Mỹ. "Tôi băn khoăn không biết có nên hoãn buổi phát biểu hay không. Nhân viên phố Wall sáng tạo lắm, một khi muốn xem cái gì đó, họ sẽ nghĩ được cả tá cách", ông cho biết trên Bloomberg.

US-1369-1403772320.jpg

Ngày càng nhiều người Mỹ yêu thích bóng đá. Ảnh: Bloomberg

Neil Vogel - CEO About.com cũng rất trông đợi trận đấu này. Ông đã cho đặt TV màn hình lớn tại văn phòng để phục vụ nhân viên và chưa bao giờ lo lắng về việc giảm năng suất lao động. "Việc quan trọng hơn cả là nhân viên phòng kỹ thuật có thể ngồi chung với phòng kinh doanh. Họ chẳng bao giờ tiếp xúc gần gũi như thế trong một tiếng rưỡi đâu", ông nói.

Nhân viên hãng dịch vụ tài chính Ladenburg Thalmann cũng được xem bóng đá qua các TV đặt tại văn phòng ở New York. "Người dân cả thế giới đều xem bóng đá. Và việc này có ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường", Philip Blancato - CEO mảng quản lý tài sản của hãng cho biết.

Trong khi đó, hãng bia Heineken đã biến những lo ngại về năng suất lao động thành một chiến dịch marketing. Họ tạo ra một video, trong đó, Giám đốc Marketing tại Mỹ của hãng - Nuno Teles thúc giục các ông chủ cho phép nhân viên nghỉ làm để xem bóng đá. Người Mỹ cũng có thể chia sẻ thông tin, hình ảnh ăn mừng qua các trang mạng xã hội của Heineken. Teles giải thích ông tạo ra chương trình này do thương hiệu Heineken luôn gắn liền với các thể thao, bản thân ông cũng yêu bóng đá và thông điệp lần này cũng rất hợp thời.

Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng dễ tính như vậy. Brian Summers - Giám đốc Kinh doanh Colonial Life & Colonial Voluntary Benefits đã cảnh báo các nhân viên về việc bỏ làm để xem bóng đá. "Tôi nói với họ là 'World Cup sẽ không trả lương cho các anh đâu. Khi anh đang xem bóng đá, kẻ khác đã cướp mất khách hàng của anh rồi'", anh cho biết.

Hãng tư vấn Challenger Gray & Christmas thì ước tính nếu lượng người xem hôm nay đạt 16 triệu như trận với Ghana, các công ty Mỹ sẽ không phải trả 390 triệu USD tiền lương. Số liệu này được tính với giả thiết một nửa số đó xem TV tại công sở và mỗi người kiếm trung bình 48,76 USD một giờ.

Tuy nhiên, John Challenger – CEO của hãng cũng cho biết để nhân viên xem bóng đá sẽ giúp tăng năng suất trước và sau trận đấu. "Các công ty khôn khéo sẽ biết rằng tuy mất một chút năng suất lao động, họ có thể thắt chặt quan hệ trong công sở", ông nói.

Nhân viên của JPMorgan trên khắp thế giới đều được xem những trận đấu quan trọng trên các màn hình lớn cao tới 4m đặt ở sảnh, người phát ngôn của JPMorgan - Jennifer Zuccarelli cho biết. Điều này cũng có nghĩa Kelly sẽ chẳng phải đi đâu xa nếu bài phát biểu của ông kết thúc trước trận đấu. "Bạn sẽ thấy kỳ lạ khi người Mỹ cuồng nhiệt bóng đá đến thế này. Nhưng đó là điều tốt mà. Thật thú vị khi thấy các quốc gia tranh tài với nhau trên sân cỏ", Kelly cho biết.

Hà Thu

Xem bình luận

Sắp xếp

TOP