Cuộc khủng hoảng cho vay trực tuyến tại Trung Quốc
Peter Wang đang ngủ tại nhà ở Bắc Kinh khi bị cảnh sát ập vào trong một buổi sáng hồi đầu tháng Tám. Ông bị buộc tội giúp đỡ tổ chức một cuộc biểu tình vào cuối ngày hôm đó. Khắp các thành phố khác tại Trung Quốc, những người mất tiền khi đầu tư vào các nền tảng cho vay ngang hàng trực tuyến (P2P) như ông Wang cũng được cảnh sát ghé thăm. Khi đó, họ định tổ chức một cuộc biểu tình lớn trước Ủy ban quản lý và bảo hiểm ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) tại quận tài chính ở thủ đô Bắc Kinh.
Cho vay ngang hàng trực tuyến (P2P) là hình thức các doanh nghiệp, tổ chức thu hút tiền của nhà đầu tư, sau đó kết nối cho các doanh nghiệp nhỏ, cá nhân khác vay, với cam kết lợi nhuận cao qua trang web hoặc nền tảng ứng dụng. Tức là, qua nền tảng này, người có tiền và cần tiền sẽ tìm đến nhau và giao dịch mà không qua ngân hàng.
Theo dữ liệu trên p2p001.com do Viện nghiên cứu Tài chính Internet Thâm Quyến quản lý, lĩnh vực cho vay ngang hàng của Trung Quốc có giá trị gần 218 tỷ USD.
Tại Trung Quốc, loại hình này phát triển trên quy mô lớn khi các công ty được chính phủ khuyến khích đột phá sáng tạo về tài chính để phục vụ các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ đang đói vốn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng lợi dụng, núp bóng hình thức này để cho vay với lãi suất “cắt cổ” lên tới gần 40% hoặc lừa đảo sau khi huy động vốn.
Hình thức này bắt đầu bùng nổ tại Trung Quốc vào năm 2011 và dần rơi vào tình trạng không được kiểm soát. Khi đạt đỉnh năm 2015, Trung Quốc có khoảng 3.500 doanh nghiệp cho vay P2P. Tuy nhiên, sau khi Bắc Kinh bắt đầu một chiến dịch tháo các ngòi nổ bong bóng nợ và giảm thiểu rủi ro với nền kinh tế trong cả khu vực phi ngân hàng, các vết nứt bắt đầu xuất hiện khi nhà đầu tư ồ ạt rút tiền.
Từ tháng Sáu, 243 nền tảng cho vay này tại Trung Quốc đã dừng hoạt động, theo wdj.com – một nhà cung cấp dữ liệu P2P. Cũng trong thời gian này, các công ty cho vay chứng kiến dòng vốn bị rút ra mạnh nhất kể từ năm 2014.
Lĩnh vực cho vay ngang hàng tại Trung Quốc giai đoạn 2014 - 2018. Ảnh: FT |
Đây là cũng là thời hạn cuối để các nền tảng cho vay P2P nộp giấy tờ hoạt động, gồm chi tiết về hoạt động kinh doanh, đối tượng cho vay, biện pháp quản lý rủi ro... cho các cơ quan quản lý Trung Quốc. Sau đó, các nhà quản lý sẽ cấp giấy phép hoạt động cho các doanh nghiệp đủ năng lực và đóng cửa những bên tiềm ẩn nhiều rủi ro.
“Nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động thay vì phải đáp ứng các quy định quản lý khó khăn hơn”, Zane Wang – Giám đốc công ty cho vay trực tuyến quy mô siêu nhỏ China Rapid Finance nhận định. Ông cho rằng, điều này cũng tạo sự hoảng loạn trên thị trường khi các nhà đầu tư cố gắng rút tiền khỏi các tổ chức cho vay P2P khiến các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn gặp vấn đề về thanh khoản.
Trụ sở Ezubao - một trong những nền tảng P2P - tại thành phố Hàng Châu đã đóng cửa (Trung Quốc). Ảnh: AFP |
Ezubao – từng là một trong những nền tảng P2P lớn nhất Trung Quốc đã thực hiện một kế hoạch lừa đảo Ponzi khi huy động gần 60 tỷ NDT ( hơn 9 tỷ USD) của 900.000 nhà đầu tư. Vào thời điểm bị cảnh sát điều tra đầu năm 2016, công ty này không thể trả được 38 tỷ NDT cho các nhà đầu tư.
“Tôi được nhiều người bạn làm trong ngành tài chính khuyên phải cẩn thận nhưng tôi đã quen sử dụng các nền tảng này từ lâu nên khá tinh tưởng”, Sarah Chen – một nhà tư vấn tại Thượng Hải đã đầu tư 290.000 NDT vào nền tảng cho vay P2P Zhuaqianmao cho biết.
Tuy nhiên, đến hôm 16/7 đáo hạn, Chen không thể lấy lại số tiền này. “Tôi đến báo cảnh sát Hoàng Phố (Thượng Hải) và chứng kiến rất nhiều người cũng gặp trường hợp tương tự, ngoài Zhuaqianmao còn nhiều nền tảng khác”, cô nói.
Ngân hàng đầu tư của Trung Quốc - CITIC Securities ước tính, chỉ khoảng 100 nền tảng cho vay ngang hàng trong số 1.836 nền tảng hiện tại có thể đáp ứng quy định mới của các nhà quản lý Trung Quốc. Số nền tảng có thể phát triển không nhiều hơn 50.
Tang Ning – sáng lập, kiêm giám đốc điều hành CreditEase, sở hữu nền tảng cho vay P2P Yirendai tỏ ra lo ngại về sự hoảng loạn trong lĩnh vực này sẽ leo thang. Ông kêu gọi, các cơ quan quản lý “hành động với ý thức khẩn cấp” để bảo vệ các nền tảng cho vay P2P tốt và xử lý nghiêm những nền tảng xấu để không làm tổn hại hệ thống tài chính và nền kinh tế Trung Quốc.
Theo Tang, nếu không xử lý được, các doanh nghiệp nhỏ sẽ mất đi một nguồn tài chính quan trọng. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới hệ thống tài chính mà còn tới cả nền kinh tế.
Hiện tại, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra 10 biện pháp để kiểm soát rủi ro trong lĩnh vực cho vay ngang hàng, trong đó có cấm mở các công ty về nền tảng cho vay P2P mới, tăng cường hình phạt đối với các công ty có hành vi lừa đảo.
“Điều chúng tôi mong muốn nhất lúc này là lấy lại số tiền đã bỏ ra, một phần nào đó cũng được”, ông Wang chia sẻ. Ông và gia đình đã đầu tư 7 triệu NDT tiền tiết kiệm để mua nhà vào 2 nền tảng cho vay P2P hiện đã dừng hoạt động.
Anh Tú (theo FT/Reuters)